Giải pháp góp phần giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của đường sắt

1. Hình thành hệ thống sản xuất, bảo trì, cho thuê hệ thống container dùng chung.

2. Xây dựng các địa điểm chuyển tải container: sân bãi, thiết bị bốc dỡ.

Đề xuất chỉ có thể thực hiện thành công khi có sự nhìn nhận và nổ lực vào cuộc của doanh nghiệp lớn (có tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm về chuyên môn, quản lý…) có sự hỗ trợ của chính phủ. Lý do: do đặc thù của ứng dụng, phải đầu tư nhanh, số lượng nhiều để phủ rộng khắp mọi nơi ngay từ đầu thì giải pháp mới có tác dụng, tương tự như Viettel,  Viettel thành công khi đầu tư các mạng viễn thông tại nước ngoài thì một trong yếu tố chính góp phần thành công là đầu tư tổng lực, phủ sóng mọi nơi, mọi công dân tại mọi miền có thể kết nối với nhau, hạn chế phải chuyển mạng sang các nhà cung cấp khác, tạo ngay tiện lợi cho người sử dụng.

+ Về hệ thống container:

- Các Công ty hoạt động trong lĩnh vực logitics, đặc biệt là các doanh nghiệp chuyên về vận tải, trong đó trọng tâm là các Công ty vận tải biển (sau đây tạm gọi chung là công ty vận tải) có đầu tư container riêng  liên kết lại để thành lập Công ty cổ phần cho thuê container. Chuyển các container mà từng Công ty đã đầu tư thành tài sản đóng góp (dưới dạng góp vốn). Các Công ty cạnh tranh với nhau sòng phẳng trong vận tải, ngoại trừ lĩnh vực sử dụng container giá cả như nhau do Công ty Cổ phần Container qui định. Chỉ cần vài Công ty có thị phần lớn liên kết thì sẽ buộc nhiều Công ty vận tải khác phải tham gia nếu không muốn duy trì khả năng cạnh tranh của mình nhờ hiệu quả của đề xuất - Xem hình 1. Các Công ty Vận tải không sợ mất thương hiêu của mình trên các container: Có thể qui ước một vị trí nhất định trên container để in logo của Công ty Cổ phần container, còn các vị trí khác là logo của các thành viên của Công ty Vận tải, ngoài ra còn có thể cho các Công ty Vận tải không phải thành viên thuê quảng cáo in logo trên container…

- Nếu các Công ty Vận tải không thể “thỏa hiệp” với nhau, nhà nước cần hỗ trợ vốn (tài trợ vốn, ưu đãi lãi vay…) để các doanh nghiệp mạnh đầu tư để hình thành các Công ty sản xuất, sửa chữa, cho thuê container sau đây cũng gọi tắt là Công ty Container (cả nước nên hình thành từ 3-5 Công ty loại hình như thế này, ít quá để dẫn đến độc quyền, nhiều quá thì trở nên vụn vặt chi phí cho thuê container sẽ không tối ưu, cần xây dựng sơ bộ tiêu chí về năng lực tài chính, chuyên môn, kinh nghiệm, giá cho thuê trần trong từng trường hợp… để Các doanh nghiệp mạnh mong muốn đầu tư đăng ký. Công ty nào đăng ký sớm, trúng thầu sẽ được hỗ trợ từ nhà nước, đơn vị nào đã đăng ký nhưng đầu tư không đúng tiến độ thì sẽ bị cắt hỗ trợ vốn…). Chúng tôi sẽ đăng bài viết hiệu quả kinh tế trước mắt và lâu dài ảnh hưởng của giải pháp sau.

Với trình độ quản lý, công nghệ thông tin… như hiện nay các Công ty Container xây dựng phần mềm, định vị GPS,…(nếu nhà nước hỗ trợ để thuê một công ty viết phần mềm chung để các Công ty cùng sử dụng sau này để đồng bộ hóa, người sử dụng củng thuận tiện, khi M & A ít gặp trở ngại…) từ đó các container rỗng hiện có, sẽ có, chủng loại… từng vị trí trên toàn quốc từng thời điểm sẽ được hiển thị… để người cần vận chuyển đầu cuối, các Công ty Vận tải,… dễ dàng phối hợp lên kế hoạch thuê…

- Để giúp các Công ty Vận tải nhỏ, các Công ty vận tải mới hình thành có khả năng cạnh tranh, tại Việt nam nên hình thành cả 2 phương thức: Công ty container thuộc các hãng vận tải, Công ty Container độc lập.

+ Về hệ thống sân bãi trung chuyển, thiết bị nâng hạ container (gọi tắt là hệ thống trung chuyển - Xem hình 2):

- Việc hình thành các Công ty Container càng phát huy hiệu quả nếu hình thành hệ thống hạ tầng là các bãi trung chuyển trung gian, thiết bị nâng hạ container, rơ móc, đầu kéo trung chuyển tại các trung tâm là các điểm đến trong nội địa. Do hiện nay đầu tư thiết bị nâng hạ container chuyên dụng vốn đầu tư lớn nhưng với khối lượng hàng bốc dỡ từng địa điểm dỡ hàng đầu cuối ít, đầu tư không hiệu quả do  hàng container chủ yếu xuất phát từ cảng hoặc các điểm tập kết tại cảng vận chuyển đến đầu cuối (theo chúng tôi ước tính cự ly thường nằm trong khoảng 60-150 Km), sau đó vận tải container rỗng về lại cảng hoặc bãi trung chuyển tại cảng (tỷ lệ kết hợp hàng 2 chiều thấp). Hệ thống trung chuyển sẽ giúp cho các Công ty vận tải nâng cao tỷ lệ hàng 2 chiều khi các hãng này vừa vận chuyển cho chính mình và/hoặc làm dịch vụ vận chuyển cho nhiều hãng tàu khác, hãng tàu nước ngoài, sử dụng container của các Công ty Container khác nhau.

- Việt nam có hình dáng chữ S, các nhà máy, khu công nghiệp, các thành phố lớn (sử dụng một lượng lớn hàng hóa) chủ yếu nằm dọc theo hình chữ S này kèm theo đó là hệ thống đường sắt mà với khoảng cách (theo ước lượng chủ quan của chúng tôi) từ 15-20 Km có một ga tàu. Khả năng cạnh tranh vận tải hàng hóa của đường sắt kém hiện nay có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân chính (theo suy nghĩ của chúng tôi) là thiết bị nâng hạ container, đường sắt chỉ tiếp nhận container tại các ga chính, các ga khác hàng hóa phần lớn phải bốc rời, làm tăng chi phí hai đầu, kéo dài thời gian chờ đợi…  Nếu như các hệ thống trung chuyển container này được đặt tại các ga tàu (Xem hình 3của ngành đường sắt thì sẽ tiết kiệm nhiều cho xã hội, tăng khả năng cạnh tranh của ngành đường sắt trong vận tải hàng hóa (tuy nhiên ngành đường sắt đang thuộc sở hữu của nhà nước, chúng tôi sẽ có bài viết về trở ngại và đề xuất riêng khi áp dụng giải pháp này)

- Thiết bị nâng hạ container: do đặc thù lượng hàng hóa cần nâng, hạ tại hệ thống trung chuyển không nhiều, đặc biệt là giai đoạn đầu mới hình thành, việc nhập khẩu các thiết bị chuyên dụng như tại các cảng biển hay các kho bãi tập trung quanh các cảng biển khó có thể hoàn vốn, nếu không muốn khẳng định là thua lỗ. Hiện tại Việt nam có nhiều doanh nghiệp có khả năng chế tạo cầu trục, thậm chí các cầu trục chuyên dụng để cẩu các thiết bị thủy điện nặng hàng trăm tấn với tỷ lệ nội địa hóa lớn. Cần phát huy năng lực của các doanh nghiệp có khả năng này, nếu có chủ trương và với số lượng sản xuất nhiều, sự hỗ trợ của nhà nước Việt nam có thể sản xuất hệ thống cẩu trục “chuyên dụng” riêng của mình đảm bảo chất lượng với giá rẻ.

- Tránh tình trạng “mỗi nơi mỗi vẻ”, cần tổ chức thi tuyển thiết kế từ các nhà chuyên sản xuất cầu trục hiện có, họ có kinh nghiệm về sản xuất, thiết kế, họ sẽ khảo sát yêu cầu thực tế,…để chúng ta có thể chọn các thiết kế phù hợp nhất phù hợp với điều kiện Việt nam, phù hợp với từng giai đoạn. Nhà nước cần hỗ trợ chi phí cuộc thi, chi phí trả thiết kế. Theo chúng tôi biết kinh nghiệm từ một nước lớn bên cạnh chúng ta,  khi các thiết bị trong nước chưa có khả năng và kinh nghiệm để sản xuất, họ hỗ trợ một doanh nghiệp khoảng 50% chi phí nhập khẩu một “thiết bị mẫu” (tất nhiên là nhập khẩu từ các nước phương tây) với điều kiện khi nhập khẩu về cho phép một Viện nghiên cứu có tiềm năng về “nghiên cứu” trước khi lắp đặt. Sau đó Viện này mô phỏng thiết kế lại để đưa vào sản xuất thử, tiếp đến sản xuất đại trà,  tiếp nhận ý kiến phản hồi từ người sử dụng và tiếp tục hoàn thiện… sau đó cạnh tranh lại với các nhà sản xuất trước đó họ nhập khẩu thiết bị mẫu. Vì vậy sự hỗ trợ của nhà nước trong giai đoạn đầu là rất quan trọng. Thiết bị cầu trục ở đây cũng không có gì là quá cao siêu, nên việc giao cho các viện thiết kế là chưa cần thiết, chỉ những người sản xuất trong nghề họ sẽ có những thiết kế phù hợp với thực tế hơn, đặc biệt là sẽ có giá thành chế tạo hợp lý.

- Việc thiết kế có thể phân chia thành nhiều giai đoạn: giai đoạn đầu có thể cân nhắc về tải trọng, kích thước container mà cầu trục có thể đáp ứng nhằm đảm bảo giá thành để nhà đầu tư khi đầu tư sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Khi thị trường đủ lớn, tiếp tục chế tạo các cầu trục có qui mô hơn, đáp ứng với mọi loại kích cở, tải trọng của container, các cẩu trục “thế hệ trước” lạc hậu hơn chuyển về các vùng có lưu lượng nâng hạ ít hơn…

- Quá trình sản xuất cẩu trục: nhà nước tiếp tục hỗ trợ về vốn vay, lãi suất, đưa ra các yêu cầu về năng lực tài chính, chuyên môn…và với thiết kế chuẩn (được chọn từ thi tuyển có bổ sung thêm các ưu điểm từ các thiết kế khác) để chọn ra từ 2-3 nhà sản xuất chuyên về sản xuất cẩu trục cho dự án trên cơ sở đấu “thầu ngược”: sản xuất theo thiết kế nhưng có giá thành thấp…

Trên đây là một số đề xuất, chúng tôi là những người ngoài cuộc, chưa có nhiều hiểu biết trong lĩnh vực logistic, vì vậy cách nhìn nhận vấn đề còn nhiều khiếm khuyết, kính mong đọc giả góp ý, giúp chúng tôi hoàn thiện lại bài viết. Xin chân thành cám ơn.

Cscvn.vn