Giải pháp tiết kiệm bê tông, thép khi làm nền

Bê tông, bê tông cốt thép (sau đây xin gọi chung là bê tông) thường được sử dụng phổ biến để làm đường, nền nhà, bãi đỗ xe, trạm thu phí… Đặc điểm của bê tông là khả năng chịu nén rất cao, nhưng chịu uốn thấp. Khi chịu tải trọng, đặc biệt là tải trọng động như tại các trạm thu phí (xe đang di chuyển thường phanh lại để mua vé) phải đổ lớp bê tông dày, thậm chí cần phải gia cố thép dự ứng lực… để đảm bảo độ bền của nền.

Các vị trí thường hay bị hư hỏng (với điều kiện lớp mặt nền dưới lớp bê tông được đầm nén đồng nhất tại mọi vị trí) là các mép ngoài, vị trí tiếp giáp giữa khe giãn nở nhiệt vì:

- Các vị trí này khả năng chịu uốn kém hơn các vị trí bên trong.

- Khi bị mưa, nước mưa lọt vào khe giãn nở nhiệt thấm xuống lớp nền (thường là đất đầm chặt), phương tiện đi lại tạo độ rung làm lớp nền bị mềm giảm khả năng làm lớp tựa cho lớp bê tông, vì vậy khi phương tiện qua lại các vị trí này từ chỗ chịu nén là chính chuyển dần sang chịu uốn, làm gãy các lớp bê tông.

Để hạn chế phần nào các nhược điểm trên, giải pháp đề xuất như sau:

+ Tại các vị trí khe giãn nở, nếu cần thiết là cả các mép biên, phía dưới lớp bê tông gia cố thêm “gối đỡ”.

+ Các gối đỡ này cũng là bê tông có bề rộng từ 300 - 600 mm, chiều dày bằng 1/2  đến 2/3 chiều dày của lớp bê tông phía trên, gối đỡ nằm trong phần nền phía dưới, mặt trên ngang bằng với mặt nền. Trước khi đổ bê tông nền, sử dụng vật liệu chống thấm (như ni lon mỏng, hay sơn nhựa đường,…lên bề mặt gối đỡ) mục đích để lớp bê tông phía trên không thể liên kết với gối đỡ, dễ dàng giãn nở nhiệt, khe giãn nở nhiệt nằm chính giữa (tâm) các gối đỡ. Vui lòng xem mô tả cụ thể bản vẽ: Tại đây

Với kết cấu như trên, nước không thể thấm xuống lớp nền, tăng khả năng chịu uốn tại các vị trí tiếp giáp, khe giãn nỡ nhiệt. Có thể tiết kiệm 15 - 20% lượng bê tông trong thi công nhờ giảm độ dày trên toàn bộ bề mặt, và cả khối lượng thép (nếu nền là bê tông cốt thép).

Chúng tôi đã ứng dụng thử được trên 5 năm, với chiều dày lớp bê tông nền từ 13 -15 cm, có một lớp sắt phi 6 đan 20 x 20cm. Nền chịu xe qua lại với tần suất trung bình và tải trọng lớn nhưng vẫn đảm bảo độ bền. Mong mọi người tham khảo để ứng dụng.

Lưu ý: Chúng tôi không phải chuyên trong thiết kế, xây dựng, các số liệu nêu trên chỉ là kinh nghiệm rút ra từ thực tế, tùy thuộc vào tải trọng, mật độ đi lại, khí hậu… cần phải có tính toán của các nhà chuyên môn. Kính mong nhận được sự đóng góp.

Cscvn.vn